Bảo vệ quyền trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Bài cuối): Cần sự chung tay của toàn xã hội
VHO- Cho tới thời điểm này, Việt Nam đã có một hệ thống các quy định về pháp luật đầy đủ để xử lý, hỗ trợ can thiệp kịp thời khi phát hiện trẻ em bị xâm hại; đồng thời cũng có những Bộ, ban, ngành và cơ quan có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em. Nhưng vì sao số trẻ em bị xâm hại vẫn chưa thể giảm?
Bộ LĐ,TB&XH, Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế ký ban hành Quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Quyết định số 1437/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải xem xét để phòng ngừa. Văn Hóa đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn để phát huy vai trò của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em.
Chỉ cần một cuộc gọi, tình hình đã có thể khác đi
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) Đặng Hoa Nam chia sẻ: “Tôi cho rằng, chỉ cần một cuộc gọi thôi, rất có thể tình hình đã có thể khác đi; các nỗ lực về can thiệp bảo vệ trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sẽ ngay lập tức được triển khai. 17 tổ chức liên quan đến bảo vệ trẻ em không chỉ là con số. Điều chúng ta cần nhấn mạnh là pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật Trẻ em 2016 hay Nghị định số 56/2017/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó quy định cụ thể, chi tiết trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của chính quyền các cấp liên quan đến việc bảo vệ trẻ em. Khi một vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra, chúng ta có thể chỉ rõ: Cơ quan nào có trách nhiệm, khi nào và ở đâu, như thế nào đối với việc bảo vệ trẻ em? Chúng ta cần nhấn mạnh đến trách nhiệm thực thi chính sách của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong thực tế cuộc sống”.
Theo ông Đặng Hoa Nam, một trong những trách nhiệm lớn và sâu xa thuộc về chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp tỉnh. Việc đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt là duy trì và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng, ngừa và xử lý các vụ việc trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục hay bạo lực trong gia đình. Tuy nhiên, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như các Trung tâm công tác xã hội ở cấp tỉnh và cấp huyện đang có những biến động theo chiều hướng bất lợi. Việc sáp nhập các Trung tâm công tác xã hội vào cơ sở Bảo trợ xã hội đã làm mất đi chức năng, nhiệm vụ công tác xã hội, đặc biệt công tác bảo vệ trẻ em cấp tỉnh hỗ trợ cho cấp huyện, cấp xã và cộng đồng dân cư trong xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Nếu chúng ta không duy trì hệ thống bảo vệ trẻ em thì công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em sẽ gặp thách thức trong tương lai.
Chia sẻ những khó khăn từ công tác quản lý nhà nước, Vụ trưởng Vụ Gia đình, TS Trần Tuyết Ánh cho biết: “Kinh phí thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa có. Các đơn vị thuộc Bộ đang lồng ghép nội dung này vào các nhiệm vụ chuyên môn và lấy kinh phí từ nguồn văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch để thực hiện trong phạm vi rất ít chứ chưa có kinh phí riêng cho nhiệm vụ này. Trẻ em là thành viên gia đình; gia đình có vai trò quan trọng với việc phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên hiện nay, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình đang thiếu về số lượng và kinh nghiệm, chưa có đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở. Công tác phối hợp trong lĩnh vực trẻ em với các Bộ, ban, ngành liên quan chưa thường xuyên và hiệu quả. Kiến thức chung về kỹ năng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong gia đình, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn rất hạn chế”...
NSƯT Xuân Bắc tham gia Chương trình giáo dục cộng đồng “Sinh con, sinh cha” do Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam triển khai tại Thanh Hóa
Xác định rõ trách nhiệm bảo vệ trẻ em của từng cơ quan
Cục trưởng Đặng Hoa Nam cho biết: Cục Trẻ em sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ để làm sao có thể rà soát, củng cố, kiện toàn lại toàn bộ hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân; hỗ trợ ưu tiên trước hết cho đối tượng trẻ em có nguy cơ cao hoặc trẻ em đã bị xâm hại để giảm thiểu tối đa những tổn thương về tâm lý, sức khoẻ tâm thần cho các em. Giải pháp đưa ra là làm thế nào để chúng ta có một đội ngũ những người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã theo quy định của Luật Trẻ em - đó chính là những nhân viên công tác xã hội cấp xã.
“Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm chủ yếu của địa phương, phân cấp là Chủ tịch UBND, HĐND có thẩm quyền phân bổ nguồn lực, gồm ngân sách và nhân lực. Tuy nhiên, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình vẫn là đặc biệt quan trọng, vì không ai có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn họ… Hiện có nhiều ứng dụng giúp các nhà quản lý, phụ huynh chặn, lọc, gỡ những nội dung độc hại, lấn át những thông tin tốt cho trẻ trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, phải tăng cường năng lực của đội ngũ các đoàn viên, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cấp xã để họ được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội và tham gia một cách thường xuyên, bài bản, bền vững hơn trong công tác bảo vệ trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Một trong những giải pháp quan trọng mà cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia về công tác trẻ em đều cho rằng cần phải tăng cường trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng của gia đình, các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ, giáo viên... về bảo vệ trẻ em. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường học. Các chương trình giáo dục kỹ năng sống hiện đang tích hợp trong chương trình về giáo dục công dân, hoạt động ngoại khóa... Các kỹ năng về tự bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại, thoát hiểm, phòng ngừa nguy cơ đuối nước... phải trở thành kỹ năng giáo dục cấp thiết trong trường học. Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 có chức năng như một đường dây nóng tiếp nhận các thông tin thông báo, tố cáo, tố giác về các nguy cơ cũng như trường hợp trẻ em bị xâm hại và tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em, những người chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Ths Nguyễn Thu Hà (Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL) đưa ra giải pháp giúp các gia đình hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội với con em mình: “Trẻ em đang sử dụng máy tính, thiết bị công nghệ ngày càng nhiều, kết nối với cộng đồng dễ dàng hơn nhưng cũng đầy rẫy nguy hiểm, cạm bẫy. Việc giáo dục giới tính có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa tác hại của mạng xã hội đối với trẻ em, trong đó có cả nguy cơ xâm hại tình dục. Hơn nữa, thông qua các hoạt động bổ ích sẽ giúp trẻ giảm tải thời gian dùng mạng xã hội. Mấu chốt là cha mẹ phải quan tâm và lắng nghe con mình, để trong cuộc sống hiện tại con luôn cảm nhận được sự yêu thương và tin tưởng từ cha mẹ; cho con hiểu được niềm tin và sự mong đợi mà cha mẹ hướng tới con, từ đó điều chỉnh hành vi của mình”.
Năm 2022, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã cùng ký ban hành Quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Quyết định số 1437/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018- 2025. Các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em… Một loạt biện pháp của các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm được triển khai trong năm 2022 đã cho thấy sự quyết tâm nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và ngăn chặn phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta. Trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ VHTTDL cũng đã nêu rất rõ sự phối hợp liên ngành trong công tác PCBLGĐ giữa Bộ VHTTDL với các Bộ, ngành để ngăn chặn, răn đe sớm các biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình là vô cùng cần thiết. Theo đó, mỗi Bộ, ngành đều cần chủ động để có những phải pháp để ngăn chặn BLGĐ nói chung và bạo lực với trẻ em nói riêng. Xác định rõ trách nhiệm và tăng cường năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và sự phối hợp giữa các cơ quan, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trong việc phối hợp triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là hướng đi đúng và vô cùng cần thiết.
HIỀN LƯƠNG